Dầu gốc khoáng là gì? Ưu điểm và nhược điểm

Dầu gốc khoáng là gì? Ưu điểm và nhược điểm

04/07/2023

Chúng ta vẫn thường hay nghe đến cụm từ “dầu gốc khoáng” cùng những ứng dụng của nó trong đời sống nói chung và ngành công nghiệp ô tô nói riêng. Vậy dầu gốc khoáng là gì? Ưu, nhược điểm của nó ra sao? Sau đây hãy cùng tìm hiểu về dầu Gốc khoáng.

1. Tổng quan về dầu Gốc khoáng

Dầu nhớt gốc khoáng (Mineral Oil) có thể hiểu là dầu gốc bôi trơn được sản xuất bằng việc tinh chế dầu thô. Dầu nhớt gốc khoáng  là sản phẩm có nguồn gốc từ dầu WTI và được sản xuất kèm theo trong quá trình sản xuất các sản phẩm dầu mỏ được tinh chế từ dầu thô như xăng, dầu diesel.   

Dầu nhớt gốc khoáng được cấu tạo từ các thành phần chính gồm dầu Paraffin (Paraffinic Oil), dầu Naphthenic (Naphthenic Oil), dầu Aromatic (Aromatic Oil). Dầu Paraffin cũng giống như Paraffin, nguyên liệu để làm nến, về mặt cấu trúc hóa học thì loại dầu này có tính bôi trơn, đồng thời có tính ổn định về mặt hóa học, vì vậy nó có thể được sử dụng làm dầu bôi trơn.  

Dầu Naphthenic hoặc dầu Aromatic có chứa liên kết đôi, vì vậy nó có độ hòa tan tốt, đồng thời có ưu điểm dễ dàng dung hợp với các chất hóa học hoặc polymer khác, nên được sử dụng nhiều trong mỹ phẩm hoặc dầu hỗn hợp. Tuy nhiên, do sự thiếu ổn định với nhiệt độ hoặc về mặt hóa học nên hai loại dầu này có nhược điểm là dễ dàng bị oxy hóa hoặc cháy.   

Do đó, các nhà sản xuất đang cố gắng giảm thiểu tối đa thành phần dầu Naphthenic và dầu Aromatic khi sản xuất dầu nhớt gốc khoáng sử dụng làm dầu nền cho nhớt động cơ, gần đây dầu Aromatic gần như không còn được sử dụng nữa, và công nghệ cũng đang được phát triển để tinh chế dầu với hàm lượng dầu Naphthenic ít nhất có thể. 

2. Ưu - nhược điểm của dầu Gốc khoáng

2.1. Ưu điểm: 

Công nghệ sản xuất ra “dầu gốc khoáng” khá đơn giản, nguyên liệu cũng dễ khai thác nên giá thành loại dầu này khá thấp. Phù hợp với túi tiền của đa số người tiêu dùng, thường được sử dụng cho những phương tiện đã lâu đời, động cơ không cần sử dụng đến các loại dầu nhớt cao cấp.

2.2. Nhược điểm:

Phần lớn dầu gốc khoáng được chế biến từ dầu thô - một hỗn hợp các phân tử hidrocacbon có hình dạng, kích thước và tính chất lý hóa không đồng nhất dẫn đến tính năng bôi trơn không ổn định, đặc biệt trong những điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt. 

Mặt khác, cũng không có cách tuyệt đối nào có thể loại bỏ hết các tạp chất có nguồn gốc từ tự nhiên như paraffin, sáp, silicon, đất,… có trong dầu gốc khoáng. Do đó trong quá trình hoạt động của động cơ, những tạp chất còn sót lại trong dầu nhớt sẽ tạo thành cặn bẩn đóng trên bề mặt các chi tiết. Theo thời gian, những chất cặn này sẽ làm dầu bôi trơn kém hơn, động cơ sẽ mau nóng máy, từ đó xuống cấp nhanh hơn.

Nếu chọn dầu gốc khoáng cho động cơ thì người dùng nên lưu ý một số điểm sau:

Nên thay dầu thường xuyên để giảm thiểu tình trạng nóng máy và xuống cấp.

Không nên dùng cho xe chạy đường dài vì dễ làm động cơ nhanh mài mòn và hư hỏng.

Nếu như loại xe không yêu cầu phải sử dụng dầu tổng hợp thì bạn có thể cân nhắc chọn dầu nhớt gốc khoáng để tiết kiệm chi phí về lâu dài.

vincooil.com.vn
stick_zalo